Có dịp về thăm phố Hiến không mấy ai là không đến vãn cảnh đền Mẫu và ngỡ ngàng trước vẻ kỳ vĩ của ba cây đa, sanh, si cổ thụ, có tuổi thọ gần 800 năm.
Theo thần tích, đền Mẫu thờ quý phi họ Dương đời nhà Tống. Vào thế kỷ 13, khi quân Nguyên sang xâm lược nhà Tống, vua Tống cùng hoàng tộc chạy trốn ra đảo Nhai Sơn để tránh nạn, tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm cho quân đánh úp Nhai Sơn, triều đình Tống tan vỡ, quan tả Thừa tướng Lục Tú Phu ôm vua Tống Đế Bính nhảy xuống biển tự vẫn. Tam cung lục viện, các quan văn võ cùng cung tần mỹ nữ trong triều đều thế cùng lực kiệt nên nhảy xuống biển tuẫn tiết. Thi thể của Dương Quý Phi trôi đến vùng Phố Hiến được dân chài nơi đây chôn cất chu đáo.Ít lâu sau, có viên thái giám họ Du là nội thị triều đình nhà Tống tìm đến đây, tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền.
Đặc biệt trong sân đền có một cây cổ gọi là đa, sanh, si ( một cây ba gốc). Ba gốc cây tạo thành thế chân kiềng vững chãi, uy nghi hung vĩ. Gốc là cây đa, trên ngọn là cây sanh, cây si cùng chung sống. Tán cây cao lớn vài chục mét, tỏa bóng khắp sân đền, ôm trùm lan kín cả tam quan cửa Mẫu. Rễ cây vấn vít rủ xuống, có cái to như cột nhà, tạo thành nhiều hang hốc thâm u kỳ bí. Chim chóc kéo đến làm tổ, cầy chuột đến đào hang, sớm tối tiếng tắc kè đếm tuổi vang vọng trong hốc cây. Thi thoảng có những con cú mèo từ đâu về đây trú ngụ, mắt sáng như đèn, ai chợt thấy lần đầu cũng hoảng. Người ta đặt bình vôi cắm hương lễ bái. Lâu ngày cây trở thành thiêng. Có người kéo nhau đến đây thề bồi chuyện ăn gian nói dối coi cây như một vị Bao công xử án công minh. Cổng đền có tấm bia “hạ mã”, xưa kia, các quan đi qua đây phải xuống ngựa, xuống kiệu, các thầy khóa phải ngả nón cúi đầu, dân gian e dè sợ sệt. Người sống lâu năm ở thành phố đã từng chứng kiến rễ cây bò xuống nóc tòa Đại bái làm mục ruỗng khung nhà phải rỡ xuống kẻo sập, gần đây mới được phục dựng lại. Sức sống của cây quả là phi thường.
Theo những người già ở thành phố Hưng Yên kể lại. Sau khi xây dựng xong ngôi đền, người ta đã trồng ở trước sân một cây bàng. Cây bàng lớn rất nhanh, thân thẳng to đẹp, tán cây như một cái ô lớn tỏa bóng râm mát. Năm tháng qua đi, chẳng biết từ đâu những con chim bay về, thả vào hốc chạc ba của cây bàng vô số quả đa, từ đây mọc lên một cây đa, lớn rất nhanh. Chẳng bao lâu rễ đa rủ xuống bao quanh ôm trùm kín thân bàng, làm cho thân bàng không phát triển được và cuối cùng chỉ còn cái thân khô trong ruột cây đa. Ngày nay quan sát kỹ, ta vẫn thấy trong bụng cây đa vẫn còn những mảng gỗ thân bàng. Sau này chắc lại có con chim nào đó đã tha đến, đặt trên ngọn đa quả sanh, quả si, để đến hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng một gốc ba cây kì vĩ, vượt qua không gian, thời gian với một sức sống trường tồn.
Theo các giáo sư sử học Trần Quốc Vượng và Phan Huy Lê, với sức sống mãnh liệt đã vượt qua 8 thế kỷ vẫn sum xuê xanh tốt, đa – sanh – si đền mẫu được coi là cây cổ nhất, có dáng đẹp nhất vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, một kỳ quan của đền Mẫu, của Phố Hiến Hưng Yên.