Theo truyền thuyết, vào thế kỷ X, thời Lý, ở làng Cửu Cao có bốn anh em họ Nguyễn là: Tuấn, Nghiêm, Phúc, Hồng. Cha mẹ mất sớm, cả bốn anh em bảo ban nhau học hành, chẳng bao lâu trở thành những người văn võ toàn tài. Khi ấy giặc Chiêm Thành sang quấy nhiễu nước ta, bốn anh em đã cùng nhau xung vào quân ngũ, phò Vua giúp nước. Tương truyền, khi đã dẹp giặc xong, cả bốn anh em đã khước từ ân điển Vua ban, xin về làng sinh sống đề được thờ phụng hương hỏa cha mẹ. Trong một ngày giông bão, bốn anh em đều hóa ở bến sông Cầu Bùi, ngay đầu làng Cửu Cao. Dân làng thương tiếc bèn lập bốn ngôi miếu thờ đặt ở bốn thôn trong làng. Trong đó có miếu Nguyễn thờ vị thứ ba trong bốn anh em họ Nguyễn là Nguyễn Phúc.
Tại miếu Nguyễn, tiếp giáp với đường làng có một cây đa cổ thụ, tuổi ước trên 150 năm. Cây cao chừng hai mươi mét, tán rộng. Điểm đặc biệt là cây đa này có hai thân, thân phụ vốn trước là một rễ của thân cây chính buông xuống cắm vào lòng đất. Qua nhiều năm, rễ cây được nhiều đời cụ từ giữ miếu dày công chăm sóc, dần trở lên cao lớn, tốt tươi, trở thành thân thứ hai của cây. So với thân chính, độ lớn của thân phụ cũng không chênh lệch nhiều, nom một chín một mười; nếu không nhìn lên ngọn, dễ nhầm tưởng đây là hai cây khác biệt.
Cây đa nghiêng có chung một ngọn nằm cân xứng trở thành chiếc cổng tự nhiên mà cũng rất đặc biệt, hiếm có.